Thời Cộng hòa Nhân dân Lịch_sử_Bắc_Kinh

Trên tòa lầu Thiên An Môn, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, Bắc Kinh lại trở thành thủ đô của Trung Quốc.
Học sinh trung học Bắc Kinh tham gia buổi lễ tại quảng trường Thiên An Môn.

Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao Trạch Đông đứng trên tòa lầu ở Thiên An Môn, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tên gọi của thành phố được phục hồi là Bắc Kinh, đóng vai trò là thủ đô.[164] Khi đó, thành phố chỉ có diện tích hành chính là 707 km2 (273 sq mi)[165] và hơn 2,03 triệu cư dân.[166] Trong vòng sáu mươi năm sau, thành phố mở rộng cả về quy mô lãnh thổ (gấp 23 lần) và dân số (gấp 10 lần) cũng như tầm vóc và tầm quan trọng về chính trị. Là trung tâm chính trị của một chính phủ tập trung cao độ, Bắc Kinh và các cư dân thành phố chứng kiến nhiều sự kiện chính trị và các bước phát triển định hình cho Trung Quốc hiện nay.

1949-1958

Sau khi mại dâm bị cấm tại Bắc Kinh vào năm 1949, các nhà chứa cũ được chuyển đổi thành các trung tâm sản xuất và giáo dục dành cho phụ nữ, tại đây các gái mại dâm cũ được 'cải tạo', đào tạo nghề nghiệp và điều trị y tế. Vào thời điểm đó, trên 90% gái mại dâm tại Bắc Kinh mắc bệnh tình dục.[167]

Các nhà lãnh đạo cộng sản nhanh chóng thiết lập một trật tự mới tại Bắc Kinh. Trong vòng vài tuần sau khi thành lập chính phủ mới, mại dâm bị cấm tại thành phố. Khoảng 224 nhà thổ bị đóng cửa và 1.308 gái mại dâm được đưa đến các trung tâm cải tạo, tại đó họ được điều trị y tế và đào tạo lại nghề nghiệp.[168] Việc sử dụng thuốc phiện bị cấm vào năm 1952.

Với việc chính phủ mới bãi bỏ các điều ước bất bình đẳng, các cường quốc bị tước bỏ đặc quyền dành cho đơn vị lính đồn trú và sứ quán ở Đông Giao Dân Hạng. Hoa Kỳ, Pháp và Hà Lan từ chối công nhận chính phủ mới nên họ bị buộc phải từ bỏ văn phòng lãnh sự và quân sự vào năm 1950.[169] Liên Xô đàm phán để chuyển đến một đại sứ quán mới ở góc đông bắc thành cổ.[169] Anh Quốc công nhận chính phủ mới, họ nằm trong số các quốc gia cuối cùng dời khỏi Đông Giao Dân Hạng vào năm 1954.[170] Một khu vực sứ quán mới xuất hiện ở phía đông của tường thành, tại Tam Lý Đồn, nơi các nước thuộc khối Cộng sảnThế giới thứ ba thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao của mình.

Là trung tâm quyền lực của nước Cộng hòa, Bắc Kinh được chuyển đổi để phản ánh những ý tưởng của nhà nước cộng sản. Tại một cuộc họp nhằm lập kế hoạch vào tháng 11 năm 1949, dưới sự chủ trì của thị trưởng Nhiếp Vinh Trăn, kiến trúc sư nổi tiếng Lương Tư Thành đề xuất bảo tồn nguyên vẹn khu thành cổ bằng cách xây dựng một khu đô thị và trung tâm chính quyền mới ở Ngũ Khỏa Tùng, Tam Lý Hà và Điếu Ngư Đài cách Thiên An Môn 10 km (6,2 mi) về phía tây.[171] Các cố vấn Liên Xô phản đối đề xuất này, họ cho rằng nên tập trung các tòa nhà chính phủ mới trong vùng lõi đô thị cũ, đặc biệt là xung quanh quảng trường Thiên An Môn.[172] Việc xây dựng các tòa nhà trong vùng lõi đô thị sẽ cho phép các nhân viên chính phủ sinh sống trong các khu phố hiện có và việc xây thêm các khu dân cư mới để phục vụ cho một trung tâm chính phủ mới tại vùng ngoại ô bị xem là không kinh tế.[173] Các cố vấn Liên Xô cũng kêu gọi công nghiệp hóa, lưu ý rằng công nhân chỉ chiếm 4% dân cư địa phương, trong khi thủ đô của một chính quyền cộng sản cần phải có một tầng lớp vô sản mạnh.[172] Các đề xuất của Liên Xô chiếm ưu thế, định hướng cho quy hoạch đô thị của Bắc Kinh trong thập niên sau đó.

Quảng trường Thiên An Môn được mở rộng để có thể đủ không gian cho các cuộc tập hợp và diễu hành công chúng quy mô lớn. Các tòa nhà và đài kỷ niệm mang tính biểu tượng, chịu ảnh hưởng của phong cách chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từ Liên Xô, bao gồm Bia Kỉ niệm Anh hùng Nhân dân, Đại lễ đường Nhân dân, và Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, được hoàn thành vào năm 1959, nhân dịp mười năm quốc khánh. Nhiều khu phố trong thành cổ bị san bằng để nhường chỗ cho các nhà máy, văn phòng chính phủ và các tòa nhà chung cư. Nhiều cung điện và hoa viên được cải tạo thành nhà ở, trường học và văn phòng. Các cơ sở công nghiệp lớn được xây dựng tại các vùng ngoại ô phía tây và phía đông. Lãnh đạo quốc gia cư trú tại Trung Nam Hải, ở phía tây của Tử Cấm Thành. Tường thành Bắc Kinh rơi vào cảnh không được tu sửa, và sau đó bị phá bỏ trong thập niên 1960 để xây dựng tàu điện ngầm Bắc Kinhđường vành đai 2.[174]

Trong Chiến tranh Triều Tiên, Bắc Kinh là nơi tổ chức Hội nghị Hòa bình Vành đai châu Á và Thái Bình Dương, hội nghị quốc tế lớn đầu tiên được tổ chức tại thành phố. Hội nghị do Tống Khánh Linh, Quách Mạt NhượcBành Chân tổ chức và diễn ra từ ngày 2 đến ngày 12 tháng 10 năm 1952, quy tụ 400 đại biểu từ 37 quốc gia. Một khu dân cư mới phát triển được đặt theo tên của hội nghị, Hòa Bình Lý.

Thành phố trở thành nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở giáo dục bậc cao và nghiên cứu hàn lâm tại Trung Quốc. Số trường đại học tại Bắc Kinh tăng lên với việc di chuyển các học viện từ khu vực du kích đến như Đại học Nhân dân, Đại học Công nghệ Bắc Kinh, Trường Trung ương đảng Trung cộng, Đại học Dân tộc Trung ương, và Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, việc mở ra các học viện và viện nghiên cứu quốc gia thuộc các bộ khác nhau. Tuy nhiên, các trường đại học do ngoại quốc tài trợ bị đóng cửa hoặc chuyển thành trường công, đại học Yên Kinh được sáp nhập với đại học Bắc Kinh và chuyển đến khu ngoại ô ở tây bắc, đại học Phụ Nhân trở thành Đại học Sư phạm Bắc Kinh.

Từ năm 1949 đến năm 1958, thành phố dần nhận thêm nhiều lãnh thổ từ tỉnh Hà Bắc.[165] Việc mở rộng đáng kể cuối cùng diễn ra vào năm 1958 với việc sáp nhập 9 huyện: Thông huyện (nay là Thông Châu), Thuận Nghĩa, Đại Hưng, Lương Hương (nay thuộc Phòng Sơn), Phòng Sơn, Bình Cố, Mật Vân, Hoài Nhu và Diên Khánh với tổng diện tích 11.988 km2 (4.629 sq mi), tổng diện tích Bắc Kinh tăng lên 16.800 km2 (6.500 sq mi).[165] Năm 1958, dân số toàn thành phố là 6.318.497 người, trong đó 31,5% sinh sống trong tường thành, 29% sinh sống tại vùng ngoại thành lân cận và các cư dân còn lại sống tại các thị trấn xa trung tâm và khu vực nông thôn.[166] Các nhà quy hoạch lập mục tiêu biến Bắc Kinh thành thành phố 10 triệu dân.[166]

Đại nhảy vọt

Vào tháng 1 năm 1958, Mao Trạch Đông khởi động kế hoạch 5 năm bằng một chiến dịch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Đại nhảy vọt (Đại dược tiến) có mục tiêu là khắc phục tình trạng thiếu vốn của Trung Quốc thông qua huy động quần chúng, sử dụng các nông trại tập thể quy mô lớn để tăng sản lượng nông nghiệp và lương thực dư ra được phát miễn phí cho các lao động trong lĩnh vực công nghiệp. Tại vùng đô thị Bắc Kinh, cũng như các thành phố khác, các tòa nhà ở mới được xây dựng mà không có nhà bếp. Thay vào đó, các cư dân ăn tối trong phòng ăn tập thể, được phục vụ miễn phí. Các cư dân được huy động sản xuất thép tại gia, sử dụng các tài sản cá nhân bằng kim loại (như chậu và dao kéo, được cho là không cần thiết do có nhà ăn tập thể).[175] Tường thành cũng bị phá hủy để lấy vật liệu xây lò nung. Thép thỏi phẩm cấp thấp được sản xuất từ các lò này không thích hợp khi sử dụng trong công nghiệp. Chính sách thất bại hoàn toàn, và việc phân bổ sai các nguồn tài nguyên ngăn cản các kế hoạch xây dựng lại thành phố trong nhiều năm.

Vào đầu chiến dịch diễn ra phong trào diệt bốn loài gây hại, bao gồm chim sẻ do được cho là gây hại do ăn ngũ cốc.[176] Vào đỉnh điểm của phong trào, vào tháng 4 năm 1958, trên ba triệu cư dân Bắc Kinh sử dụng pháo, cồng, đánh vào chậu hay chai lọ để phát thành tiếng, dùng cờ màu mè, mục đích là để chim sẻ và các loài chim khác không tìm được chỗ đậu trong thành phố và mệt mỏi do bay quá nhiều mà chết. Trên 400.000 chim sẻ và vô số các loài chim khác bị giết chết trong ba ngày.[177] Chiến dịch được dừng lại sau khi việc loại bỏ chim sẻ khiến số châu chấu tăng đột biến.

Trong suốt mùa hè và mùa thu năm 1958, chất lượng và số lượng thực phẩm được phục vụ trong các nhà ăn tập thể liên tục suy giảm, và các nhà ăn tập thể bị đóng cửa hoàn toàn vào đầu năm 1959.[175] Thay vào đó, các cư dân nhận thực phẩm theo khẩu phần bằng tem phiếu (15–17 kg cho mỗi đàn ông, 13,75 kg cho mỗi phụ nữ, 12,75 kg cho thanh thiếu niên, 3,75 kg cho trẻ em dưới 10 tuổi).[178] Do dự báo tăng sản lượng lương thực, người ta không trồng lúa mì vụ đông vào năm 1958 khiến mùa xuân năm 1959 không có gì để thu hoạch.[178] Đến tháng 5 năm 1959, các cư dân buộc phải bổ sung chế độ ăn uống ít ỏi của họ bằng vỏ cây đu, rễ cây sậy, chồi cây liễu, dền hoang, cần tây hoang và các loại cây hoang dã khác có thể ăn được.[178] Việc suy dinh dưỡng trở nên phổ biến trong thành phố. Khoảng 420.000 cư dân được đưa đến các vùng nông thôn vì thành phố không còn có thể hỗ trợ cho họ. Tình trạng thiếu lương thực khiến tỷ lệ "tử vong do nguyên nhân không tự nhiên" tại Bắc Kinh tăng từ 3,64% vào năm 1958 lên 4,4% vào năm 1961, tức có thêm 90.000 ca tử vong.[179]

Cách mạng văn hóa

Đại Cách mạng văn hóa vô sản là chiến dịch do Mao Trạch Đông phát động nhằm thay đổi cơ cấu xã hội và văn hóa của Trung Quốc, được mở đầu và kết thúc tại Bắc Kinh, với các hậu quả sâu sắc đối với thành phố và quốc gia. Mao Trạch Đông khởi đầu chiến dịch bằng việc chỉ đạo các cuộc tiến công chống lại các nhân vật chính trị-văn học tại Bắc Kinh. Mục tiêu đầu tiên là Ngô Hàm- phó thị trưởng Bắc Kinh và cũng là một sử gia, ông viết Hải Thụy bãi quan, chuyển thể từ vở kịch về một quan lại liêm khiết thời Minh, từng được Mao Trạch Đông ca ngợi vào đầu thập niên 1960. Tuy nhiên, vào ngày 10 tháng 11 năm 1965, tác phẩm này bị Diêu Văn Nguyên chỉ trích là phục hồi Bành Đức Hoài. Phạm vi cuộc tấn công mở rộng đến "Tam gia thôn"- ba đồng tác gia một chuyên mục trên Nhân dân nhật báo, trong đó có tổng biên tập Đặng Thác. Bộ ba này bị cáo buộc ngầm tấn công chống Mao chủ tịch, kết quả là Đặng Thác tự tử. Thị trưởng Bắc Kinh Bành Chân bị cáo buộc điều hành thành phố giống như ấp phong của mình và nuôi dưỡng âm mưu chống đảng, việc tấn công Bành Chân làm suy yếu Lưu Thiếu Kỳ, vốn là mục tiêu cuối cùng của Mao Trạch Đông. Chính quyền thành phố Bắc Kinh trở thành nạn nhân đầu tiên của cách mạng văn hóa, các vị trí lãnh đạo thành phố được thay thế bằng những người theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông.

Mao Trạch Đông mở rộng cuộc tranh giành quyền lực trong tầng lớp tinh hoa vào mùa xuân năm 1966, ông khích lệ thanh thiếu niên từ các trường đại học và trung học ở Bắc Kinh hưởng ứng chiến dịch của mình. Vào ngày 16 tháng 5 năm 1966, Mao Trạch Đông công bố "Ngũ Nhất Lục thông tri", chính thức phát động một cuộc Cách mạng văn hóa để thanh tẩy các yếu tố tư sản và Xô viết xét lại ra khỏi đảng và quốc gia, như Bành Chân. Ngày 25 tháng 5 năm 1966, một số giảng viên trẻ của Đại học Bắc Kinh do Niếp Nguyên Tử dẫn đầu viết một "đại tự báo" kết tội ban giám hiệu nhà trường cản trở Cách mạng văn hóa và kêu gọi quần chúng tiêu diệt các yếu tố phản cách mạng và thân Khrushchev. Niếp Nguyên Tử ban đầu bị trường đại học trách phạt song tấm áp phích của bà được xuất bản trên số Nhân dân nhật báo ra ngày 2 tháng 6. Ngày 18 tháng 6, các sinh viên Đại học Bắc Kinh tổ chức đại hội phê đấu đầu tiên nhằm tố cáo các giảng viên của mình. Phu nhân của Mao Trạch Đông là Giang Thanh đến thăm trường này để thể hiện sự ủng hộ của bà đối với các sinh viên nổi loạn. Từ ngày 29 tháng 7, các phòng học tại tất cả các trường đại học và trung học tại Bắc Kinh nghỉ học, các học sinh và sinh viên tham gia Cách mạng văn hóa. Ngày 29 tháng 5, một nhóm học sinh của Trường trung học Đại học Thanh Hoa tổ chức nhóm "Hồng vệ binh" đầu tiên để bảo vệ Mao chủ tịch khỏi những kẻ thù của cách mạng, các học sinh khác tại Bắc Kinh cũng làm theo. Vào tháng 8, Mao Trạch Đông ca ngợi Hồng Vệ binh và kêu gọi họ "pháo đả tư lệnh bộ" của các yếu tố tư sản trong chính phủ. Phong trào lan rộng và Mao Trạch Đông cho Hồng Vệ binh được đi tàu và ăn ở miễn phí trên toàn quốc để truyền bá cách mạng.[180] Từ ngày 18 tháng 8 đến 26 tháng 11, Mao Trạch Đông chủ trì tám cuộc mittinh của Hồng Vệ binh tại quảng trường Thiên An Môn, với sự tham gia của tổng cộng 11 triệu thanh thiếu niên, các cuộc biểu tình giúp loại bỏ quyền lực của Lưu Thiếu Kỳ.

Sau khi đóng cửa các lớp học và lật đổ ban giám hiệu, Hồng Vệ binh quay sang các 'kẻ thù của cách mạng' với quy mô xã hội lớn hơn. Họ lục soát nhà của những người được xem là 'kẻ thù của giai cấp' nhằm tìm kiểm bằng chứng buội tộc, đập phá các di tích văn hóa được xem là tàn tích của nền văn hóa phong kiến, và đấu tranh chống lại các danh nhân chính trị và văn hóa bị cáo buộc thuộc tẩu tư phái. Trong vòng một tháng sau cuộc tập hợp đầu tiên của Mao Trạch Đông vào ngày 18 tháng 8, Hồng Vệ binh lục soát 114.000 căn nhà trong thành phố, thu giữ 3,3 triệu đồ vật và 75,2 triệu tệ.[181] Khi nhiệt thành của Hồng Vệ binh lên đến đỉnh cao vào tháng 8 và tháng 9, có ít nhất 1.772 cư dân bị giết chết.[180] Nhiều người bị các Hồng vệ binh ép tự sát hoặc bị đánh đến chết.[180] Nhiều người khác bị Hồng Vệ binh và những kẻ nổi loạn sỉ nhục công khai, bị đánh đập và bắt giữ phi pháp. Nhiều di tích lịch sử bị hư hại hoặc bị phá hủy trong tình cảnh lộn xộn. Các di tích mang tính biểu tượng như Thiên Đàn, Bắc Hải, Di Hòa Viên, Viên Minh Viên, Thập Tam Lăng, Ung Hòa Cung và Trường Thành cũng là các mục tiêu.[182] Hầu như tất cả những nơi thờ phượng đều bị đóng cửa. Tử Cấm Thành được bảo vệ theo lệnh của Chu Ân Lai.[183] Nhiều đường phố tại Bắc Kinh được đổi tên theo các khẩu hiệu cách mạng. Hồng Vệ binh còn tìm cách đổi tên Bắc Kinh thành Đông Phương Hồng.[183]

Đến năm 1967, với việc đóng cửa trường học và các nhân vật có quyền lực bị lật đổ, các phái Hồng Vệ binh bắt đầu cạnh tranh với nhau để kiểm soát các thể chế mà họ kiểm soát.[184][185] Các cuộc đụng độ bạo lực tăng lên, và một số nhóm quay sang thách thức Giang Thanh. Năm 1968, Mao Trạch Đông ra lệnh cho quân đội nắm quyền kiểm soát chính phủ, các trường đại học và nhà máy, và buộc Hồng Vệ binh phải giải tán và rời thành phố đến các vùng thôn quê, nơi họ sẽ "trải qua cải tạo từ những người nông dân." Tại Đại hội Đảng lần thứ 9 được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm 1969, Mao Trạch Đông tuyên bố Cách mạng văn hóa hoàn thành.

Sau khi Chu Ân Lai qua đời vào ngày 8 tháng 1 năm 1976, Diêu Văn Nguyên cho phát hành một loạt tác phẩm tuyên truyền để chỉ trích di sản của Chu Ân Lai, khiến dư luận phổ biến không chấp thuận. Ngày 20 tháng 3 năm 1976, học sinh trường tiểu học Ngưu Phòng đặt vòng hoa tại Bia kỉ niệm Anh hùng Nhân dân tại quảng trường Thiên An Môn nhằm tưởng nhớ Chu Ân Lai, những người khác cũng làm theo.[186] Nhiều vòng hoa kèm theo các bài thơ tưởng nhớ vị thủ tướng. Đến tết Thanh Minh vào ngày 4 tháng 4, quảng trường Thiên An Môn đầy vòng hoa và các bài thơ, ước tính có 2 triệu cư dân thành phố đến bia kỉ niệm để bày tỏ lòng kính trọng của họ.[187] Ngày hôm sau, Tứ nhân bang lệnh cho công an thu giữ và phá hủy các vòng hoa, phong tỏa quảng trường. Trong các cuộc xung đột giữa công an và người dân, hàng trăm người bị bắt giữ. phong trào Tứ Ngũ là cuộc tập hợp tự phát lớn nhất chống lại Cách mạng văn hóa, tuy nhiên nó khiến Đặng Tiểu Bình bị thanh trừng.[188]

Mao Trạch Đông qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 9 tháng 9 năm 1976, và lăng của ông tại quảng trường Thiên An Môn được hoàn thành một năm sau đó. Chưa đầy một tháng sau khi Mao Trạch Đông qua đời, vào ngày 7 tháng 10 năm 1976, Uông Đông Hưng cho bắt giữ Tứ nhân bang tại Trung Nam Hải trong một cuộc chính biến không đổ máu. Đặng Tiểu Bình được phục hồi chức vụ và sau đó đoạt lấy quyền lực từ tay người lãnh đạo chính biến là Hoa Quốc Phong. Tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản TQ được tổ chức vào năm 1978, dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Đảng Cộng sản phục hồi cho các nạn nhân của Cách mạng văn hóa, đảo ngược phán quyết về phong trào Tứ Ngũ, và thông qua một tiến trình chính sách cải cách kinh tế. Các kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục từ năm 1977 và hầu hết các thanh niên bị đưa về nông thôn quay trở lại thành phố.

Cách mạng văn hóa khiến quan hệ Trung-Xô thêm căng thẳng, và khoảng 300.000 cư dân thành phố được huy động để xây dựng boongke dưới lòng đất nhằm làm nơi ở cho 40% cư dân thành phố trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân.[189] Thành phố ngầm của Bắc Kinh được xây dựng từ năm 1969 đến 1979, sau đó được chuyển thành các trung tâm mua sắm và bảo tàng dưới lòng đất.[189]

1976-1989

Từ năm 1977 đến 1979, Bắc Kinh cũng là nơi diễn ra Mùa xuân Bắc KinhTường Dân chủ Tây Đan, kiểm soát chính trị được nới lỏng trong một thời gian ngắn tại thành phố. Phong trào dân chủ Bắc Kinh (1978–81) đặt mục tiêu xây dựng một bản sắc chủ nghĩa Marx tiến bộ. Kết hợp với các đặc điểm liên quan của một công dân xã hội chủ nghĩa, những người ủng hộ phong trào chống lại kẻ thù từ bên ngoài và thiểu số cánh hữu ở bên trong. Bản sắc tập thể này không chỉ ngăn chặn sự đối đầu với Đảng Cộng sản, mà còn sử dụng cả tư duy Marx cổ điển và dân chủ phương Tây trong chương trình nghị sự của phong trào.[190]

Quy hoạch đô thị tại Bắc Kinh phát triển theo một xu hướng mới so với thời đại Mao Trạch Đông. Vào tháng 4 năm 1980, khi xem xét tài trợ cho cơ sở hạ tầng, Hồ Diệu Bang đặt ra các nguyên tắc chỉ đạo cho sự phát triển của Bắc Kinh:[166] Với vai trò là trung tâm chính trị của quốc gia, Bắc Kinh cần phải trở thành một trung tâm giao lưu quốc tế để hỗ trợ sự mở cửa của Trung Quốc với thế giới.[166] Với vị thế là một cửa ngõ với thế giới, Bắc Kinh cần phải là thành phố có trật tự nhất, sạch sẽ nhất và cảnh quan nhất trong cả nước.[166] Bắc Kinh cũng cần phải trở thành một trong những thành phố tiên tiến về khoa học và công nghệ, văn hóa và giáo dục trên quy mô thế giới.[166] Thành phố cần nâng cao mức sống của người dân và phát triển một nền kinh tế phù hợp với những đặc điểm độc đáo của thủ đô quốc gia.[166] Bắc Kinh sẽ không còn thu hút các ngành công nghiệp nặng.[166] Năm 1981, các nhà quy hoạch thành phố nghĩ ra một kế hoạch chi tiết mà theo đó tổ chức mở rộng đô thị xung quanh các đường vành đai đồng tâm.[166] Vùng đô thị lõi cũ của thành phố là nơi tập trung các di tích lịch sử, từ nay sẽ phát triển với mật độ thấp.[166] Các cơ sở kinh doanh mới sẽ được xây dựng tại dải thứ hai (giữa đường vành đai 2đường vành đai 3).[166] Với việc áp dụng chính sách một con, các nhà quy hoạch thành phố dự kiến sẽ kiểm soát được dân số thành phố ở mức 10 triệu vào năm 2000, trong đó 40% sinh sống tại trung tâm đô thị và phần còn lại sinh sống tại các cộng đồng dân cư rải rác quanh dải thứ ba.[166] Có thể hình dung về các cộng đồng dân cư này thông qua Á Vận Thôn ở phía bắc và Phương Trang ở phía nam. Tuyến thứ nhất của tàu điện ngầm Bắc Kinh, bắt đầu hoạt động thử nghiệm vào năm 1969 song bị ảnh hưởng bởi các vấn đề kỹ thuật, cuối cùng mở cửa phục vụ công chúng vào năm 1981.

Ngày 4 tháng 5 năm 1989, sinh viên từ các trường đại học tại Bắc Kinh bắt đầu tập hợp tại quảng trường Thiên An Môn để bày tỏ thương tiếc về việc Hồ Diệu Bang qua đời. Trong vài ngày sau đó, các cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn thu hút hàng nghìn người tham gia. Các cuộc biểu tình bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc giải tán bằng vũ lực vào ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Năm 1990, dân số thường trú tại Bắc Kinh đạt 10,32 triệu người, trong đó 61% là tại các khu vực đô thị.[166] Ngoài ra, thành phố còn có 1,27 triệu người nhập cư không có hộ khẩu, tổng dân số là 11,59 triệu người.[166]

Từ 22 tháng 9 đến 7 tháng 10 năm 1990, Bắc Kinh tổ chức Á vận hội lần thứ 11, với sự tham dự của 6.122 vận động viên đến từ 37 quốc gia, tranh tài ở 29 môn thi thể thao. Á Vận Thôn được xây dựng ở phía bắc trung tâm thành phố, ngoài đường vành đai 3. Sân vận động Công nhân là địa điểm chính của Á vận hội.

Đường vành đai 2 được xây dựng tứ thập niên 1960 trên nền của tường thành thời Minh, cuối cùng hoàn thành vào năm 1992. Đường vành đai 3 hoàn tất vào năm 1993. Việc xây dựng ba tuyến đường vành đai khác được bắt đầu trong thập niên 1990, và lần lượt hoàn thành vào năm 2001 (đường vành đai 4), 2003 (đường vành đai 5), 2009 (đường vành đai 6).

Thập kỷ 1990 và đầu thiên niên kỷ mới là thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại Bắc Kinh. Sau cải cách mở cửa, những khu đất nông nghiệp xung quanh thành phố trở thành các khu dân cư và khu thương mại mới.[191] Các tuyến đường cao tốc hiện đại và các tòa nhà cao tầng được xây dựng khắp thành phố để giải quyết vấn đề dân số ngày càng tăng và giàu có hơn. Đầu tư ngoại quốc biến Bắc Kinh thành một trong số các thành phố mang tính quốc tế và thịnh vượng nhất.

Năm 1995, chính quyền thành phố Bắc Kinh chấn động bởi một vụ bê bối của hàng ngũ lãnh đạo, Uỷ viên bộ chính trị- Bí thư thị ủy Trần Hi Đồng bị loại bỏ khỏi chức vụ và phó thị trưởng Vương Bảo Sâm tự sát.[192][193] Trần Hi Đồng bị kết án 16 năm tù giam vào năm 1998 vì tội tham nhũng và sơ suất khi thi hành công vụ, trở thành quan chức cấp cao nhất bị kết án tù sau vụ xử Tứ nhân bang.[193] Trần Hi Đồng được cho là bị hạ bệ khi tham gia đấu tranh quyền lực chống lại Chủ tịch Giang Trạch Dân và "Thượng Hải bang".[192] Ông cho rằng các cáo buộc chống lại ông có động cơ chính trị.[194]

Ngày 25 tháng 4 năm 1999, trên 10.000 người theo Pháp Luân Công xuất hiện bên ngoài Trung Nam Hải để phản đối các chỉ trích chống giáo phái của truyền thông nhà nước, sau đó Pháp Luân Công bị chính phủ Trung Quốc nghiêm cấm.

Ngày 8 tháng 5, sau vụ oanh kích của NATO vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Beograd, Nam Tư, hàng nghìn sinh viên và cư dân Bắc Kinh tuần hành trước Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Một số người biểu tình ném các đồ vật vào sứ quán, giữ đại sứ Hoa Kỳ và nhân viên trong sứ quán vài ngày. Phó chủ tịch nước Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào tuyên bố chính phủ ủng hộ hoạt động kháng nghị, song kêu gọi chống lại các hành vi quá khích và bất hơp pháp.[195] Sau khi phía Hoa Kỳ xin lỗi và bồi thường,[196] chính phủ Trung Quốc đồng ý trả 2,87 triệu Đô la Mỹ để bồi thường cho thiệt hại của các phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ tại Trung Quốc.[196]

Từ năm 2000

Sân vận động quốc gia Bắc Kinh, địa điểm chính tổ chức Thế vận hội 2008

Năm 2000, dân số Bắc Kinh đạt 13,56 triệu người, bao gồm 2,49 triệu người nhập cư tạm trú.[166] Dân số Bắc Kinh tiếp tục phát triển, chủ yếu là do nhập cư, và lên mức 15,38 triệu người vào năm 2005 (bao gồm 3,57 triệu người nhập cư tạm thời)[166] và vượt 20 triệu người vào năm 2011. Trong tổng số 20,18 triệu cư dân vào năm 2011, 12,77 triệu là cư dân thường trú và người nhập cư tạm trú là 7,4 triệu (36,7%).[197]

Quá trình hiện đại hóa và tăng trưởng dân số nhanh chóng gây ra nhiều vấn đề môi trường như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm, sự tàn phá các khu phố lịch sử và một lượng lớn lao động nghèo nhập cư đến từ nông thôn. Vào đầu năm 2005, chính quyền thành phố cố gắng kiểm soát phát triển đô thị bằng cách hạn chế phát triển tại hai dải bình bán nguyệt ở phía tây và phía đông trung tâm thành phố, thay vì theo phương thức các vòng tròn đồng tâm như từng áp dụng.[198]

Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Mùa hè vào tháng 8 năm 2008. Một số công trình thể thao mang tính biểu tượng như Sân vận động quốc gia Bắc Kinh, được xây dựng để phục vụ Thế vận hội.[199]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Bắc_Kinh http://216.35.68.200/cities/findStory.cfm?city_id=... http://www.chnmuseum.cn/Default.aspx?TabId=138&Inf... http://www.china.com.cn/culture/zhuanti/2009-05/19... http://www.chinadaily.com.cn/china/2012-08/20/cont... http://www.confucianism.com.cn/html/keji/18028259.... http://www.jxnews.com.cn/oldnews/n1034/ca716016.ht... http://media.openedu.com.cn/media_file/netcourse/a... http://media.openedu.com.cn/media_file/netcourse/a... http://media.openedu.com.cn/media_file/netcourse/a... http://history.people.com.cn/GB/205396/15194538.ht...